TRUYỀN THUYẾT VỀ LOÀI HOA TAM GIÁC MẠCH Ở HÀ GIANG
Chuyện kể rằng Tiên Gạo và nàng Tiên Ngô đi gieo hạt nơi hạ giới, mày trấu, mày ngô chẳng biết làm gì bèn đổ vào khe núi. Cây ngô, cây lúa lớn lên cho hạt. Người người lấy hạt về ăn. Khi ngô hạt lúa trong nhà đã cạn mà vụ sau vẫn chưa tới, cái đói về u ám bản làng, chiều đã buông dài nơi rừng cây mà vẫn chưa thấy ai nhóm bếp. Một hôm mọi người họp nhau lại rồi chia đi khắp núi rừng để tìm cái ăn. Nhiều ngày trôi qua,nhiều nơi đã đến, nhiều hang cùng góc núi đã lục tìm mà vẫn chưa thấy gì có thể làm no cái bụng. Một hôm, thoảng bay trong gió mùi hương là lạ, từ trước đến giờ chưa ai được ngửi. Mọi người cùng tìm đến khe núi,và ai nấy đều ngỡ ngàng, một rừng hoa li ti trải dài suốt từ núi bên này sang núi bên kia, nhìn kỹ mới thấy những cái lá có hình tam giác ẩn nấp khá kín ở dưới hoa. Khi kết hạt mọi người đem về ăn thử thấy ngon không kém gì ngô và gạo. Cái bụng đã ngủ yên không lóc óc đòi ăn nữa. Khói bếp lại bay lên mỗi chiều,đúng là một món quà mà thiên nhiên ban tặng. Hoa tam giác mạch đã làm no cái bụng, cứu đói cho bản làng khi vụ lúa cũ đi qua, vụ mới còn chưa tới. Thân tam giác mạch khi còn non có thể dùng để luộc ăn như rau. Kết quả và thành hạt, khi thu hoạch có thể xay tam giác mạch thành bột làm lương thực, hoặc nấu với ngô tạo nên một thứ rượu có hương vị thật đặc biệt. Vì là họ nhà lúa, được nảy lên từ mày lúa, mày ngô, nên gọi là mạch, lá có hình tam giác, và thế là nó có tên “tam giác mạch”.
Loài hoa e ấp, dịu dàng, hoang dại như gái bản
Sau mùa lúa chín vàng của Tây Bắc là mùa hoa tam giác mạch. Hoa nở nhiều thành những cánh đồng, làm nao lòng những bước chân xê dịch. Họ đến đây để được ngắm hoa và lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ. Loài hoa này cũng có nhiều loại, loại màu trắng tinh khôi, nhưng có loại màu trắng về sau chuyển thành tím phớt hồng, có loại khác ánh tím hồng sậm.Cứ vào tháng 10, 11, 12 loài hoa này lại đua nhau khoe sắc trên những vùng núi Tây Bắc.
Nguồn :sưu tầm